Ngày đăng: 13/06/2019
Philip Kotler – cha đẻ của marketing hiện đại đã định nghĩa “định vị thương hiệu là tập hợp các hoạt động nhằm mục đích tạo ra cho sản phẩm và thương hiệu sản phẩm một vị trí xác định (so với đối thủ cạnh tranh) trong tâm trí của khách hàng”. Bên cạnh đó, có rất nhiều khái niệm định vị thương hiệu là gì, được phân tích dựa trên nhiều góc nhìn và quan điểm của các chuyên gia. Về cơ bản các khái niệm này đều xoay quanh việc thương hiệu cần một vị trí đang chú ý trên bản đồ các thương hiệu khác đang chen lấn trong cuộc chiến giành tâm lý khách hàng.
Giống như hình ảnh thương hiệu, định vị thương hiệu không đơn thuần là những gì doanh nghiệp bạn truyền tải, mà còn là những gì khách hàng cảm nhận được. Với một chiến lược định vị tốt, thương hiệu của bạn sẽ trở nên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, đồng thời chiếm được vị thế quan trọng trong tâm trí người tiêu dùng.
Chiến lược định vị, trước hết, giúp khác biệt hóa thương hiệu. Việc thể hiện và khẳng định được sự khác biệt hóa của bạn sẽ tạo ra lợi thế lớn cho thương hiệu dù bạn đang ở bất cứ ngành nghề nào. Và định vị chính là nền tảng quan trọng nhất của việc này. Doanh nghiệp sử dụng định vị để truyền tải họ có thể giải quyết những vấn đề, nhu cầu cụ thể bằng một cách đặc biệt mà khách hàng không thể trải nghiệm ở một nơi khác. Dựa vào chiến lược của doanh nghiệp, chiến lược thương hiệu, định vị sẽ được tiến hành nhằm thể hiện những giá trị, thông điệp hai chiến lược này muốn truyền tải. Thông thường, các doanh nghiệp thậm chí chỉ cần một câu định vị ngắn gọn để truyền tải gần như toàn bộ những thông điệp cốt lõi của khác biệt hóa, từ đó lan tỏa đến các điểm chạm khác nhằm xây dựng một hệ thống nhận diện thương hiệu thống nhất và mạnh mẽ. Có thể nói, vai trò quan trọng nhất của định vị thương hiệu chính là tạo ra khác biệt hóa.
Với một chiến lược định vị tốt, thương hiệu có thể chiếm được cảm tính của người tiêu dùng. Khi định vị truyền tải thành công những thông điệp cốt lõi, nó sẽ giúp định hình thương hiệu trong đầu mọi người, giúp họ hiểu thương hiệu này là ai và có phù hợp với mình không. Từ đó, thương hiệu sẽ chiếm được tình cảm của những người cảm thấy phù hợp với nó. Hãy tưởng tượng thương hiệu của bạn được định vị như một người doanh nhân chuyên nghiệp, hoạt động trong phân khúc trung và cao cấp. Khi đó, giới chủ doanh nghiệp, những người có thu nhập khá sẽ có niềm tin với thương hiệu, bởi họ cảm nhận được sự đồng điệu với hình mẫu này, họ đã hiểu và mặc nhiên thương hiệu đó ở một vị thế nhất định trong tâm trí.
Định vị cũng chính là một phần của nhận diện thương hiệu, là điều giúp khách hàng phân biệt thương hiệu của bạn trong vô vàn đối thủ cạnh tranh khác, nó tạo ra mối liên kết vô hình giữa thương hiệu với người tiêu dùng. Thông qua cảm nhận về định vị, họ nhận thấy giá trị của thương hiệu phù hợp với mong muốn của bản thân, họ nhận ra thương hiệu này là một người bạn có thể tin tưởng được.
Hơn hết, nếu định vị thương hiệu phù hợp trong tương quan với đối thủ, thị trường, khách hàng sẽ tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp. Khi đã có được cảm tình của người dùng, thương hiệu sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường để tiến tới tăng doanh thu, mở rộng thị phần hay dẫn dắt thị trường. Một định vị rõ ràng sẽ truyền tải được lợi thế của sản phẩm và cách mà sản phẩm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, vì vậy nó sẽ rút ngắn thời gian quyết định mua hàng của họ. Từ đó, giá trị của thương hiệu sẽ tăng cao hơn nhờ niềm tin của người tiêu dùng ngày càng lớn mạnh, bạn sẽ không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào cuộc chiến cạnh tranh giá cả khi đã có một vị trí vững chắc trong tâm trí người tiêu dùng, khiến họ mua hàng bất chấp những mời gọi khác của đối thủ.
Tại Red Onion, chúng tôi thực hiện tư vấn và xác định cho thương hiệu một chiến lược khác biệt hóa cốt lõi, phát triển lên chiến lược định vị phù hợp nhất với năng lực nội bộ của doanh nghiệp, nổi bật trong tương quan với đối thủ cạnh tranh và hơn hết, khai thác đúng nhu cầu và insight của khách hàng tiềm năng.