5 công nghệ in ấn phổ biến hiện nay và ứng dụng | Red Onion – Brand Consulting

Ngày đăng: 28/05/2019

Các công nghệ in ấn phổ biến nhất hiện nay

Tổng hợp các công nghệ in ấn phổ biến nhất hiện nay đang được các công ty in ấn sử dụng.

Với thời đại công nghệ phát triển một cách chóng mặt như hiện nay thì tất cả các ngành nghề đều có sự thay đổi rõ rệt qua từng ngày, những công nghệ mới, kỹ thuật mới, phương pháp, cách làm mới luôn được cập nhật liên tục hàng này. Và tất nhiên ngành công nghiệp in ấn cũng không ngoại lệ. Để chọn cho mình công nghệ in ấn phù hợp, thể hiện thiết kế một cách trọn vẹn nhất trên chất liệu phù hợp, The Red đã tổng hợp lại 5 công nghệ in ấn phổ biến dưới đây.

I. In Offset

KỸ THUẬT IN OFFSET – IN OFFSET LÀ GÌ?

In offset là hình thức in ấn công nghiệp phổ biến nhất hiện nay. In offset là quá trình truyền các thông tin từ khuôn in lên bề mặt vật liệu in bằng mực một màu hoặc nhiều màu dưới một áp lực trên thiết bị gọi là máy in.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA CÔNG NGHỆ IN OFFSET

– Phần tử in và không in hầu như cùng nằm trên một mặt phẳng.

– Do tính chất hóa lý phần tử in bắt mực đẩy nước và phần tử không in bắt nước đẩy mực.

Quy trình là các hình ảnh dính mực in được ép lên các tấm offset (được làm bằng cao su) trước rồi ép tấm offset này lên giấy.

Ứng dụng của in Offset:

Công nghệ in offset được sử dụng khá nhiều trên thị trường hiện nay. Kỹ thuật in offset cho ra đời những sản phẩm có chất lượng cao, hình ảnh sắc nét nên rất thích hợp với việc sản xuất các sản phẩm in trên nền giấy, bìa cứng, carton nhựa hoặc chỉ cần chất liệu có bề mặt phẳng là được như: sách báo tạp chí, catalogue, tài liệu quảng cáo tiếp thị, các ấn phẩm cần thiết cho doanh nghiệp…Sản phẩm in có thể một màu hoặc nhiều màu với kích thước khác nhau tùy theo yêu cầu của khách hàng.

II. In Flexo

In flexo bắt nguồn từ chữ flexible, nghĩa là mềm dẻo với khuôn in được chế tạo bằng nhựa photopolymer với phương pháp quang hóa, CTP hoặc khắc laser

Kỹ thuật in flexo là kỹ thuật in trực tiếp do có bản in nổi với mực in được cấp cho khuôn in nhờ trục kim loại, bề mặt được khắc lõm nhiều ô nhỏ có tên là anilox.

Nguyên lý hoạt động của phương pháp in flexo:

Khi in, trục in sẽ được nhúng một phần trong máng mực để mực sẽ lọt vào các ô trên bề mặt trục còn những phần mực nằm trên bề mặt sẽ được hệ thống dao gạt mực gạt bỏ đi. Sau đó khung in sẽ tiếp xúc và nhận mực từ trục in.

Ứng dụng của in flexo:

Tuy cho chất lượng in không cao nhưng in flexo  có ưu điểm là chất lượng sản phẩm khi in ra đồng đều và có độ màu đậm nên thường cho công suất in khá nhanh nên thường được dùng với những công việc in ấn cần công xuất cao và nhanh như in thùng carton, in các loại decal nhãn hàng hóa, các loại màng…và in flexo còn có thể in trên những vật liệu dạng cuộn dành cho các dòng máy tự động hay in được trên nhiều chất liệu đặc biệt như: vải, bìa hoặc in trên màng polyme….

III. In lụa hay in lưới

In lụa là tên thông dụng do giới thợ đặt ra xuất phát từ lúc bản lưới của khuôn in làm bằng tơ lụa. Sau đó, khi mà bản lưới lụa có thể thay thế bởi các vật liệu khác như vải bông, vải sợi hóa học, lưới kim loại để làm thì tên gọi được mở rộng như là in lưới.

 

Kỹ thuật in lụa là gì?

  • In lụa thực hiện theo nguyên lý giống như in mực dầu trên giấy nến theo nguyên lý chỉ một phần mực in được thấm qua lưới in, in lên vật liệu in bởi trước đó, một số mắt lưới khác đã được bịt kín bởi hóa chất chuyên dùng
  • Kỹ thuật này có thể áp dụng cho nhiều vật liệu cần in như nilon, vải, thủy tinh, mặt đồng hồ, mạch điện tử, một số sản phẩm kim loại, gỗ, giấy… hoặc sử dụng thay cho phương pháp vẽ dưới men trong sản xuất gạch men
  • Cho dù in thủ công, bán thủ công hay thực hiện bằng máy thì kỹ thuật in lụa cũng bao gồm những công đoạn chính như sau: làm khuôn in; chế tạo bàn in, dao gạt; pha chế chất tạo màu, hồ in; và in.

 

Ứng dụng của in lụa trong cuộc sống:

In lụa (in lưới) là một kỹ thuật in khá phổ biến, thường thấy tại các cơ sở in thiệp cưới, in áo, túi bọc nilon, các loại biểu mẫu giấy tờ số lượng ít.

  • Kỹ thuật in này còn được áp dụng để in trên rất nhiều vật liệu với nhiều hình dạng, kích cỡ như các loại chai, thùng, bao bì, mạch điện tử, các sản phẩm nhựa, kim loại, hoa văn trên vải sợi,…
  • Nó còn là phương pháp in bổ sung trong các công đoạn thành phẩm sau in như phủ UV cục bộ, thẻ cào,…
  • Một ứng dụng khá hay của in lụa là thường được sử dụng để in lên áo chất liệu vải dễ thấm đặc biệt là đồng phục thể thao hay các bộ đồ đôi ngộ nghĩnh
  • Ngoài ra ứng dụng phổ biến không kém của in lụa là in thiệp cưới. Rất dễ để tìm được một tấm thiệp cưới in bằng công nghệ này bởi chất lượng bản in khá rõ nét và ít phai màu.

Hiện nay trên thị trường có 2 hình thức in lụa là in thủ công và in bằng máy: 

1. In lụa thủ công:

Ưu điểm: Chi phí thấp, in số lượng ít, có thể in trên nhiều loại chất liệu khác nhau, chủ động về màu sắc

– Nhược điểm: Bản in chấp nhận được, độ nét tạm, tốn thời gian. Chỉ in 1 màu hoặc nhiều lắm là 3-4 màu vì mỗi lần chỉ in được một màu, muốn in nhiều màu phải in nhiều lần làm đội giá thành và phụ thuộc vào tay nghề của thợ. Không in được phong cảnh và hình nền, nếu có thì chỉ in đơn màu

2. In lụa bằng máy:

– Ưu điểm: Nhanh chóng, độ chính xác cao hơn, màu sắc đều hơn

– Nhược điểm: Phải đầu tư máy móc tốn kém trong khi in lụa chủ yếu là những đơn hàng số lượng nhỏ, in số lượng ít.

IV. In kỹ thuật số

Xuất hiện trên thị trường cũng đã lâu và cũng dần khẳng định được vị thế của mình. Cụ thể là công nghệ in khác nhau như máy in phun, laser và xerography thường được gọi là in ấn kỹ thuật số.

 

IN KỸ THUẬT SỐ LÀ GÌ?

In kỹ thuật số là phương pháp in ấn hiện đại sử dụng công nghệ kỹ thuật số vào in ấn, các hình ảnh kỹ thuật số được phân tích và đưa vào in ấn trực tiếp cho ra các sản phẩm ngay lập tức với số lượng lớn và chất lượng cao.

  • Nguyên lý: Dựa trên sự tự động hoá của máy móc, các hình ảnh cần in được nạp vào máy in kỹ thuật số, máy móc sẽ xử lý số liệu phân tích và tự động pha màu và thực hiện in cho ra sản phẩm ngay mà không mất thời gian đợi chờ.
  • Ưu điểm: Tốc độ in nhanh có thể in lấy ngay, kích thước bản in đa dạng, cho chất lượng in ấn tốt, có thể in trên nhiều vật liệu như giấy, vải, nilon, gỗ, kim loại, mica… in kỹ thuật số phù hợp với in số lượng lớn cho chi phí in rẻ.
  • Nhược điểm: Một số chất liệu rất khó in thậm chí là không thể in được, đòi hỏi người in phải hiểu biết về công nghệ và trang bị các máy móc in ấn hiện đại khá tốn kém.

In kỹ thuật số thường được ứng dụng trong in tờ rơi, in quảng cáo, in tranh ảnh, in tem vỡ, in poster, in thiệp, in tem bảo hành, in card visit…

V. In ống đồng

Nằm trong lĩnh vực in ấn, in ống đồng khá phổ biến trong quá trình sản xuất bao bì vì thế nó giữ vai trò quan trọng trong nhiều doanh nghiệp hiện nay.

IN ỐNG ĐỒNG LÀ GÌ

In ống đồng hay còn gọi là in lõm là kỹ thuật in ấn sử dụng một trục in được mạ đồng dày khoảng 100 microns, các phần tử in (hình ảnh, chữ viết) được khắc sâu và nằm dưới bề mặt trục in, phần tử không in nằm trên bề mặt trục in và hầu hết in ống đồng được in chủ yếu ở dạng cuộn.

 

NGUYÊN LÝ IN ỐNG ĐỒNG

In ống đồng được hoạt động dựa trên nguyên lý in lõm, các là phần tử in được khắc lõm vào bề mặt kim loại. Khi in mực được cấp lên bề mặt khuôn in rồi tràn vào các chỗ lõm của phần tử in, tiếp theo sẽ có một thiết bị gọi là dao gạt sẽ gạt mực sạch mực thừa ra khỏi bề mặt khuôn in lúc này chỉ còn lại mực ở các chỗ lõm của phần tử in. Cuối cùng các áp lực khi in sẽ làm cho mực trong các chỗ lõm truyền sang bề mặt vật liệu, mỗi đơn vị in xong đều có một đơn vị sấy vì mực in ống đồng có độ nhớt thấp chỉ khoảng 0,1 Pa.s nhằm giúp mực khô nhanh hơn và chất lượng in tốt hơn.

In ống đồng được ứng dụng trong ngành in bao bì như in túi giấy, in hộp giấy… tất cả đều được in bằng phương pháp in ống đồng. In ống đồng áp dụng được trên rất nhiều các chất liệu khác nhau như giấy, màng nhựa dẻo, kim loại mỏng, PE, OPP, MPET, PET… với nhiều loại bao bì đòi hỏi chúng ta phải in rồi ghép lại với nhau tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh kỹ thuật in này được gọi là in ống đồng màng ghép.

ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM IN ỐNG ĐỒNG

In ống đồng màng ghép có ưu điểm độ chính xác và phục chế hình ảnh chất lượng cao hơn so với in typo và offset của độ bền của trục in lớn có thể sử dụng để in tái bản. Tốc độ in có thể đạt trên 200m/phút đối với các máy in ống đồng hiện đại in được với số lượng lớn, tuy nhiên giá thành của trục in cao thường đòi hỏi số lượng in lớn từ 500.000 vòng tua trở lên.